Kết quả rà soát thực hiện quy hoạch điện 7 (giai đoạn 2011-2020) của Bộ Công Thương cho thấy, miền Bắc và miền Trung thừa điện với dự phòng lên tới 40- 130%, trong khi tỷ lệ dự phòng của miền Nam vẫn rất thấp.
Riêng năm 2014, khu vực miền Nam không tự cân đối được công suất nội miền và luôn phải nhận thêm công suất từ miền Bắc và miền Trung, trong khi các MBA 500kV Phú Lâm, Tân Định, Sông Mây và các đường dây 500kV Pleiku - Di Linh - Tân Định, Đắk Nông - Phú Lâm luôn truyền tải với công suất cao. Lưới điện tại các tỉnh Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An luôn trong tình trạng đầy và quá tải; trong khi tiến độ xây dựng trạm và đường dây 220kV Nhơn Trạch, Phú Mỹ 2, Vũng Tàu, Mỹ Xuân, Tây Ninh, Hàm Tân, Đức Hòa đang bị chậm. Tất cả đã đặt miền Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu điện trong mùa khô 2014.
Với mục tiêu cung ứng đủ điện cho miền Nam, EVN SPC đã xây dựng kế hoạch cung cấp điện năm và từng tháng với chỉ tiêu điện thương phẩm đạt 44.120 triệu kWh, tăng 10,3% so với năm 2013.
Ông Phạm Ngọc Lễ – Phó TGĐ EVN SPC cho biết, để đảm bảo cung cấp điện, Tổng công ty yêu cầu Công ty Lưới điện cao thế miền Nam rà soát phương thức vận hành lưới điện 110 kV, thực hiện tốt kế hoạch sửa chữa, bảo trì, thí nghiệm và cải tạo lưới điện. Các công ty điện lực chủ động phối hợp với các sở Công Thương lập kế hoạch cung cấp điện năm và hàng tháng; làm việc với khách hàng lớn nắm lại nhu cầu phụ tải, ký biên bản thỏa thuận về các giải pháp cung cấp điện, điều hòa phụ tải và tiết kiệm điện để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục.