Giai đoạn 2000-2013 nhu cầu điện của Việt Nam tăng bình quân 13%/năm, gấp gần 2 lần tăng trưởng GDP. Việc tăng trưởng nhu cầu điện nhanh là kết quả của quá trình công nghiệp hoá, điện khí hoá, chương trình đưa điện về nông thôn và nhu cầu sử dụng các thiết bị điện khi mức sống của người dân được nâng cao. Dự báo đến năm 2020 nhu cầu điện toàn quốc đạt khoảng 300 tỷ kWh, gấp 3 lần nhu cầu điện năm 2010.
Nhiều công trình nguồn điện phía Nam bị chậm đã dẫn đến khả năng thiếu điện trong khu vực từ năm 2017-2019 nên EVN cần đảm bảo đúng tiến độ các dự án nguồn hiện nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhắc nhở.
Do đó, để đáp ứng nhu cầu trên, Việt Nam phải khẩn trương xây dựng thêm rất nhiều công trình nhà máy điện mới. Theo ông, để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng đã có Quyết định điều chỉnh danh mục một số dự án nguồn và lưới điện cũng như ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án này để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Trong số này, dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 được khởi công dự kiến sẽ phát điện tổ máy 1 trong năm 2017, hoàn thành toàn bộ công trình vào đầu năm 2018. Đây là 1 trong 4 nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, hàng năm sản xuất trên 7,2 tỷ kWh. Tính chung cả 4 dự án điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tổng công suất lên đến 5.600 MW, cung cấp tới 5% sản lượng điện của hệ thống quốc gia. Khi đó, Bình Thuận sẽ là một trong những trung tâm năng lượng lớn của cả nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu, EVN, GENCO 3 (Tổng công ty phát điện 3) - chủ đầu tư dự án - phải phối hợp chặt chẽ với liên doanh nhà thầu Hàn Quốc- Nhật Bản- Việt Nam đảm bảo đúng tiến độ xây dựng nhà máy. Theo Quy hoạch 7, nhà máy này là dự án trọng điện, góp phần tăng cường điện cho miền Nam, giảm sức ép phải truyền tải từ điện từ Bắc vào khu vực này.
Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là dự án thứ hai trong tổng số 5 dự án nguồn điện cấp bách chống thiếu điện cho miền Nam sẽ khởi công năm 2014. Với dự án trên, tổng mức đầu tư là hơn 36.000 tỷ đồng với 85% vốn vay thương mại và 15% vốn đối ứng của chủ đầu tư. Trong đó, 85% vốn vay thương mại bao gồm vốn tín dụng xuất khẩu ưu đãi từ Tổ hợp Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Công ty bảo hiểm thương mại Hàn Quốc (KSURE), Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Công ty Bảo hiểm đầu tư và xuất khẩu Nhật Bản (Nippon Export and Investment Insurance, NEXI). Còn lại 15% vốn đối ứng của chủ đầu tư là vay của các ngân hàng trong nước mà Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV) làm đầu mối.
Trước đó, dự án nhiệt điện Thái Bình vừa khởi công có mức vốn đầu tư 26.500 tỷ đồng cũng được hỗ trợ 85% vốn từ nguồn ODA của tổ chức JICA, Nhật Bản.
Ngoài 2 dự án trên, từ nay đến cuối năm, EVN phải khởi công 3 dự án nữa là nhiệt điện Duyên Hải mở rộng, thủy điện Thác Mơ mở rộng, Đa Nhim mở rộng. Việc đảm bảo tiến độ các dự án này là yếu tố sống còn quyết định đến cân đối cung cầu điện miền Nam trong 3 năm tới.