Chiếc xe U - Oát dã chiến lắc lư, mất hơn 30 phút đồng hồ cho hơn 10 km với những đoạn đường lúc trồi lên dốc, khi hụp xuống thung, vượt con đường gập ghềnh đầy bụi đỏ, chúng tôi đến với bản Noong Phụ, Pá Toong và Thẳm Hon thuộc xã Tạ Bú, huyện Mường La.
Những hàng cột điện mới dựng đứng ngạo nghễ trong nắng sớm, trên vai khoác những đường dây điện mềm mại giăng qua những vạt đồi. Phía xa xa tít dưới thung lũng, con đập Nhà máy Thủy điện Sơn La chỉ nhỉnh hơn chiếc bàn, vững chãi chặn dòng nước bạc. Trong nắng sớm vùng cao, sương mù vẫn chưa kịp tan hết, bà con dân bản Pá Toong đã tất bật lao động sản xuất. Có thể cảm nhận được niềm vui của bà con trong tiếng cười nói rôm rả; những bàn tay chuyền nhau từng gùi ngô đổ vào miệng chiếc máy xay xát đang chạy bằng nguồn điện lưới nổ ròn rã. Chỉ mới 4 tháng nay, bà con dân bản mới biết thế nào là điện lưới, mới được hưởng sự thanh nhàn khi có điện, chạy máy làm thay sức người.
Anh Sồng A Dũng - bản Pá Toong vui vẻ cho chúng tôi biết : từ khi có điện, bà con dân bản đã chung tiền mua một chiếc máy xát ngô to, đặt ngay đầu bản ; vào đúng ngày vụ mùa, ngô thu hoạch trên nương về không còn chất đống trong kho chờ xe của tư thương dưới huyện lên mua nữa. Giờ đây, bà con đã tự sơ chế ngô, đóng ngô hạt vào bao và chở xuống huyện. Giá cả bán ra nhờ thế cũng cao hơn, không còn bị ép giá.
Giữa bản Noong Phụ, tiếng máy cưa, máy bào chạy điện giòn giã dường như làm bừng lên một sức sống mới bản nhỏ vùng cao trong buổi sớm. Nhanh tay bào nốt những mảnh ván cuối cùng, anh Sồng A Dếnh- Phó bản Noong Phụ tươi cười nói: Nhà tôi là vui nhất, có điện bào, cưa gỗ như thế này, vài ngày nữa là dựng được nhà. Trước đây, cưa, bào đều bằng tay, mất gần 2 tháng mới làm được cái nhà.
Khi chưa có điện, bà con nhân dân 3 bản Pá Toong, Noong Phụ và Thẳm Hon như những nàng sơn nữ bị bỏ quên. Bà con bao đời nay chỉ biết sáng lên nương trồng cây ngô, cây sắn. Tối về, theo tiếng con gà lên chuồng, ánh đèn dầu không thắp sáng được cái đầu, trẻ nhỏ không được học hành, người lớn chẳng biết làm gì ngoài việc truyền tay nhau chén rượu . Anh Dếnh nói: Bà con thích xem ti vi lắm, bà con biết thêm nhiều thứ, biết nhiều nơi, học hỏi cách làm ăn.
Màn đêm buông xuống, trong ngôi nhà của anh Dếnh, tiếng trẻ bi bô đọc bài khiến lòng tôi ấm hơn. Thế mới biết, nguồn điện sáng đã thắp sáng cả những tâm tình tuổi nhỏ, nhân thêm những niềm vui của người già, xua đi những tháng ngày tăm tối nơi vùng cao hẻo lánh.
Sáng sớm hôm sau, tiếng ríu rít gọi nhau của trẻ đến trường, theo chân các em, tôi đến thăm lớp học mầm non điểm trường Noong Phụ xã Tạ Bú vào đúng thời điểm công nhân Công ty Điện lực Sơn La đang kéo dây, lắp điện và phổ biến cách sử dụng điện tiết kiệm cho cô và trò. Những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của các em đã làm xua tan đi cái lạnh gió mùa.
Cô giáo Hà Thị Yến dạy học tại điểm trường cắm bản này đã hơn 3 năm. Điện kéo đến lớp học, chị có lẽ là người cảm nhận rõ nhất niềm vui do ánh sáng điện mang lại. Chị tâm sự: lớp học vùng cao được phụ huynh các em học sinh dựng lên. Còn đơn sơ với với vách gỗ dựng thưa, nhìn xuyên thấu được ra bên ngoài. Vào những ngày mùa đông giá rét, gió lùa vào lớp, các em học sinh lạnh tím tái; lớp học lại rất nhanh tối, vì thế mà việc dạy chữ, học bài của các em cũng khó khăn rất nhiều.
Nguồn sáng ấy đã đem lại niềm vui cho người dân 3 bản Noong Phụ - Thẳm Hon - Pá Toong. Niềm mong ước bao đời của bà con đã thành hiện thực. Điện về bản, không chỉ thắp sáng những mái nhà mà sẽ nhân lên những niềm vui, thắp sáng tương lai của nhiều thế hệ người dân.